Làn sóng thoái vốn cuối năm gia tăng
Trái ngược với cảnh ế ẩm vài tháng trước, hoạt động thoái vốn 2 tháng cuối năm diễn ra hết sức sôi động và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Mục lục
Bộ Xây dựng chạy nước rút thoái vốn, thu về gần 4.000 tỷ đồng
Theo quyết định 908/QĐ-TT phê duyệt danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn hết năm 2020; Bộ Xây dựng phải tiến hành thoái vốn tại Tổng công ty Sông Hồng (UPCoM: SHG); Tổng công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp, UPCoM: HAN) và Tổng công ty Đầu tư phát triển độ thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico, HNX: IDC) trước 30/11.
Do vậy, trong tháng 11 vừa qua, Bộ này đã đồng loạt rao bán cả 4 tổng công ty. Trong đó, phiên đấu giá 36% vốn Idico thu hút tới 9 nhà đầu tư tham gia và tất cả đều trúng đấu giá với mức giá bình quân 26.936 đồng/cp. Qua đó, Bộ Xây dựng thu về 2.909 tỷ đồng.
Phiên đấu giá CC1 cũng ghi nhận thành công khi có 12 cá nhân; chi tổng là 1.027 tỷ đồng để mua 44,48 triệu cổ phiếu, tương đương 41% vốn công ty.
Ngược lại, Bộ Xây dựng phải hủy bỏ phiên đấu giá lô cổ phần Hancorp do hết thời hạn đăng ký và đặt cọc không có nhà đầu tư tham gia, phiên đấu giá Tổng công ty Sông Hồng chưa có kết quả.
Cùng với tiến trình thoái vốn, cổ phiếu Idico đã tăng giá từ vùng 27.000 đồng/cp lên 35.500 đồng/cp; CC1 tăng từ 14.000 đồng/cp lên 26.000 đồng/cp trong vòng 1 tháng qua. Cổ phiếu HAN cũng tăng mạnh từ 14.000 đồng/cp lên gần 28.000 đồng/cp từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12; song sau khi Bộ Xây dựng thoái vốn bất thành cổ phiếu liên tục giảm sàn về vùng 14.000 đồng/cp.
Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD)
Đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng – Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng liên tiếp thông báo thoái vốn tại Công ty Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang và Công ty Phát triển nhà xã hội HUD.VN.
Trong khi buổi đấu giá HUD Kiên Giang thu hút 12 nhà đầu tư thì buổi đấu giá HUD.VN không nhận được sự quan tâm.
Có 4 cá nhân và 8 tổ chức đáp ứng đủ điều kiện năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá lô cổ phần HUD Kiên Giang thuộc sở hữu HUD. Giá khởi điểm 34.000 đồng/cổ phần và phương thức bán trọn lô nên mỗi nhà đầu tư tham gia dự kiến bỏ ra tối thiểu khoảng 1.180 tỷ đồng.
SCIC kiên trì bán Vocarimex, Afiex
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thông báo phiên đấu giá 44,2 triệu cổ phiếu; tương đương 36,3% vốn Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM: VOC ); có 2 nhà đầu tư tham gia. Đó là Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) và cá nhân Trần Hoàng Nam.
Với giá khởi điểm 18.540 đồng/cp, SCIC thu về tối thiểu 819 tỷ đồng từ thoái vốn Vocarimex. Việc hạ giá khởi điểm từ 22.690 đồng/cp xuống 18.540 đồng/cp chính là yếu tố để các nhà đầu tư cân nhắc tham gia phiên đấu giá. SCIC kỳ vọng hoàn tất thoái vốn doanh nghiệp này ngay trong năm nay.
Trước đó, SCIC rao bán trọng lô 3,56 triệu cổ phiếu; tương đương 49,89% vốn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang ( HNX: SGC ) và thu hút Vĩnh Hoàn ( HoSE: VHC ) tham gia nộp hồ sơ năng lực. Song, phiên đấu giá bị hủy bỏ do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia.
Không chỉ vậy, SCIC còn bán thành công vốn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Afiex, UPCoM : AFX ) dù mới thất bại trong lần rao bán tháng 8. Với giá đấu thành công bình quân 19.000 đồng/cp, SCIC thu về 339 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã mua trọn lô cổ phần Afiex chính là Quỹ đầu tư hạ tầng PVI (quản lý bởi Công ty CP Quản lý quỹ PVI).
Ngoài ra, SCIC cũng thông báo bán vốn tại hàng loạt doanh nghiệp như Công ty Du lịch Quảng Ngãi; Công trình giao thông Bình Thuận, Công ty Traenco, Công ty thuốc ung thư Benovas…
Tổng hợp từ SCIC.VN
Viettel thoái vốn 3 công ty thành viên
Trong 2 tháng cuối năm, Tập đoàn Viettel gây chú ý khi tiến hành thoái vốn tại các công ty con trên sàn như Tư vấn Thiết kế Viettel, Công trình Viettel và ViettelPost.
Phiên đấu giá ViettelPost (UPCoM: VTP) được tiến hành đầu tiên và ghi nhận tỷ lệ thành công cao nhất. Cụ thể, Viettel bán thành công toàn bộ 4,98 triệu cổ phiếu; tương đương 6% vốn ViettelPost đưa ra đấu giá. Với giá bán bình quân 105.600 đồng/cp, tập đoàn thu về 528 tỷ đồng. Phiên đấu giá Công trình Viettel ( UPCoM: CTR ) ghi nhận tỷ lệ thành công 53%; đạt 4,4 triệu cổ phiếu trên 7,7 triệu cổ phiếu chào bán được mua giúp tập đoàn thu 209 tỷ đồng. Tỷ lệ thành công thấp nhất là lô cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel ( UPCoM: VTK ); chỉ 90.000 đơn vị trên 630.748 đơn vị chào bán được mua; tỷ lệ thành công 14%, giá trị đạt 2,5 tỷ đồng.
Cả 3 doanh nghiệp thuộc tập đoàn Viettel đều có hoạt động kinh doanh khả quan và chia cổ tức đều đặn các năm qua; đặc biệt là Viettel Post và Công trình Viettel.
Đơn vị: tỷ đồng